BlogLăng Bác Hồ - Không gian hội tụ khát vọng của dân...

Lăng Bác Hồ – Không gian hội tụ khát vọng của dân tộc

Lăng Bác không chỉ là công trình đặc biệt của Việt Nam mà còn là nơi yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất kỳ ai khi đứng trước địa điểm này đều có chung niềm tin tưởng xúc động và thành kính tri ân. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sơ lược về lăng Bác ở Hà Nội để mọi người hiểu hơn về công trình vĩ đại của dân tộc này nhé!

Sơ lược về lăng Bác Hồ

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 2, đường Hùng Vương, phường Điện Bàn, quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Đây cũng chính là nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 02/09/1945. Vị trí này vô cùng thuận lợi để mọi người có thể đến tham quan lăng Bác bằng nhiều phương tiện di chuyển khác nhau

Phương tiện di chuyển 

Nếu di chuyển bằng xe cá nhân, bạn nên lưu ý hai điểm gửi xe chính là:

  • Đường Ông Ích Khiêm, đối diện với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Đường Ngọc Hà, cổng chính vào Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

Nếu chọn đi xe bus, bạn có thể tham khảo một số tuyến xe có đi ngang lăng Bác như:

  • Xe số 09: Đi từ Bờ Hồ đến Bờ Hồ
  • Xe số 33: Đi từ Bến xe Yên Nghĩa đến Xuân Đỉnh
  • Xe số 22: Đi từ Bến xe Gia Lâm đến Kim Mã
  • Xe số 45: Đi từ Times City đến Bến xe Nam Thăng Long
  • Xe số 50: Đi từ Long Biên đến Sân vận động quốc gia

Lăng Bác Hồ tọa lạc ở số 2, đường Hùng Vương, quận Ba Đình
Lăng Bác Hồ tọa lạc ở số 2, đường Hùng Vương, quận Ba Đình

Thời gian mở cửa lăng Ba Đình

Lăng Bác có những quy định riêng về thời gian thăm viếng như sau:

  • Mùa nóng (01/04 – 31/10): Thứ 3 – Thứ 5 và thứ 7 – Chủ Nhật, từ 7h30 – 10h30.
  • Mùa lạnh (01/11 – 31/03 năm sau): Thứ 3 – Thứ 5 và thứ 7 – Chủ Nhật, từ 8h00 – 11h00.
  • Riêng Thứ 7, Chủ Nhật và các ngày Lễ lớn, thời gian thăm viếng kéo dài thêm 30 phút. 
  • Đặc biệt, vào ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/05, ngày Quốc khánh Việt Nam 02/09, và mùng 1 Tết Nguyên Đán mà rơi vào ngày thứ 2 hoặc thứ 6, thì Lăng vẫn mở cửa đón chào du khách. Vào tháng 10 và tháng 11 hằng năm, lăng tạm thời đóng cửa để tu sửa định kỳ.

Giá vé vào cổng tham quan lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Công dân nước Việt Nam được miễn phí vé vào cổng. 
  • Đối với người nước ngoài, giá vé là 25.000VNĐ/ người 

Lăng Bác được xây dựng như thế nào?

Trước khi từ trần, Bác Hồ có ước nguyện được hỏa táng và đem phần tro cốt đặt xuyên suốt 3 miền của Tổ quốc. Nhưng với tâm tư của Đảng và nhân dân lúc ấy, Bộ Chính trị đã quyết định giữ nguyên thi hài của Bác và xây dựng lăng Bác để Chủ tịch có thể sống mãi cùng với dân tộc. 

Năm 1969, những ngày cuối cùng trước khi Bác đi xa, đã có chuyên gia từ Liên Xô sang nước ta nhằm cố vấn Việt Nam về công nghệ ướp xác. Sau khi Bác qua đời, việc ướp thi hài được thực hiện vào 7 ngày sau đó.

Khi lễ an táng kết thúc, Ban quy hoạch đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng. Tháng 01/1970, Liên Xô cử đoàn chuyên gia sang hỗ trợ hết mình về việc thiết kế lăng. Tháng 10/1970, Bộ Chính Trị thông qua dự thảo xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do chuyên gia Việt Nam và Liên Xô đề ra. 

Không thể nào quên sáng ngày 02/09/1973, lăng Bác chính thức khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Sau gần 2 năm nỗ lực, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được khánh thành vào ngày 19/05/1975. Ngày nay, lăng không chỉ là biểu tượng văn hóa lịch sử của thủ đô Hà Nội mà còn thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Lăng Bác là biểu tượng văn hóa lịch sử của thủ đô Hà Nội
Lăng Bác là biểu tượng văn hóa lịch sử của thủ đô Hà Nội

Lăng được thiết kế theo kiến trúc đặc biệt

Vật liệu xây dựng lăng Bác được lấy từ nhiều nơi trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Điển hình như cát ở suối thuộc xã Kim Tiến (tỉnh Hòa Bình), đá Nhồi ở Thanh Hóa, đá đỏ núi Non Nước,… Lăng Bác là công trình lớn và kiên cố với kiểu dáng hình vuông vức. Thiết kế vô cùng vững chắc, có khả năng chống lụt, chống chịu bom đạn và động đất lên đến 7 độ Richter, 

Bên ngoài lăng Bác được ốp đá granite xám tự nhiên. Cùng với đó là nhiều cột hàng bằng đá hoa cương bao bọc xung quanh. Nổi bật nhất là trên đỉnh lăng có dòng chữ màu đỏ thẫm “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”.

Xung quanh tiền sảnh của lăng Bác có dòng chữ uy nghiêm “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” cùng chữ ký của Bác Hồ được dát vàng bên dưới. Trước cửa lăng luôn có hai chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác nghiêm ngặt. 

Thi hài của Bác Hồ được đặt ngay ngắn trong hòm kính có thể chịu được tác động cơ học lớn. Đặc biệt, hòm kính được chế tạo riêng biệt từ những người thợ tay nghề cao của Việt – Xô. Thi hài Chủ tịch mặc bộ quần áo kaki đã sờn màu, dưới dân đặt đôi dép cao su mà Người vẫn thường hay mang lúc sinh thời.

Cảnh sắc xung quanh lăng Bác vô cùng hài hòa với thiên nhiên, cây cối xanh tươi tốt suốt bốn mùa. Trước mặt lăng là cột cờ cao 29 mét, hằng ngày đều diễn ra Lễ thượng cờ và Lễ hạ cờ trang nghiêm. 

Lễ Thượng Cờ uy nghiêm được tổ chức hằng ngày
Lễ Thượng Cờ uy nghiêm được tổ chức hằng ngày

Hoạt động thường ngày tại lăng Bác

Không kể thời tiết như thế nào, cứ đúng 6 giờ sáng (vào mùa hè) hoặc 6 giờ 30 phút sáng (vào mùa đông), lễ Thượng cờ trước Lăng Bác sẽ được tiến hành. Với giai điệu bài hát hùng hồn “Tiến bước dưới quân kỳ” vang lên, các cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến bước ra Quảng trường để thực hiện nghi lễ thiêng liêng này.

Đội hình thực hiện lễ Thượng Cờ gồm 37 đồng chí và có chiều cao từ 1m7 trở lên. Quân dung sáng ngời và động tác điều lệnh đội ngũ chuẩn. Cứ vào đúng 6 giờ sáng, đoàn thực hiện nghi lễ sẽ khởi hành từ phía sau lăng Bác

Dẫn đầu đi trước đoàn là quân kỳ Quyết Thắng. Kế đến là đội tiêu binh có tổng cộng 34 người tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. 

Ba chiến sẽ đội hồng kỳ tiền lên phía cột cờ để làm nghi thức Thượng Cờ. Đây cũng là khoảng thời gian cửa lăng bắt đầu mở. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ được tung lên và bay phấp phới theo nền nhạc Quốc Ca. Tương tự, nghi lễ Hạ Cờ lăng Bác cũng được đội tiêu binh thực hiện vào lúc 21 giờ tốt hằng ngày. Lễ Hạ Cờ cũng được làm theo nghi thức tương tự như lễ Thượng Cờ.

Lễ Thượng Cờ và Hạ Cờ là một trong những hoạt động thường ngày
Lễ Thượng Cờ và Hạ Cờ là một trong những hoạt động thường ngày

Ý nghĩa lăng của Bác Hồ cụ thể là gì? 

Lăng Bác là công trình kiến trúc lịch sử mang ý nghĩa to lớn. Thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân Việt nam đối với vị lãnh tụ kính yêu. Từ lúc khánh thành vào năm 1975 cho đến nay, trải qua gần 50 năm lịch sử, đã có bao thế hệ người Việt cùng hàng triệu du khách nước ngoài đến tham quan. 

Giữ gìn và bảo vệ an toàn thi hài Bác

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, theo nguyện vọng của toàn Đảng và nhân dân, Bộ Chính trị quyết định thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách xây dựng lăng mộ của Người. Từ đó, giúp các thế hệ người Việt Nam, quốc tế đến chiêm ngưỡng và viếng lăng Bác.

Để đáp ứng yêu cầu giữ gìn và bảo vệ an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý lăng Bác.

Cụ thể, Ban Quản lý lăng là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng bảo vệ thi hài Bác, đảm bảo an ninh và tổ chức các hoạt động tại lăng Bác. Về cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý gồm Văn phòng, 3 đơn vị sự nghiệp công lập, 2 đơn vị chuyên trách và Trung đoàn 375 trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an. 

Lăng Bác mang lại ý nghĩa lớn cho dân tộc
Lăng Bác mang lại ý nghĩa lớn cho dân tộc

Làm chủ và vươn lên trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Ban Quản lý lăng Bác đã có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao của Đảng và Nhà nước. Thành công lớn nhất là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì đơn vị cũng giữ thi hài Bác ở trạng thái tốt nhất. Phát huy ý thức, không ngừng học tập để từng bước vươn lên trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Đặc biệt, từ những năm 2004 cho đến nay, Viện 69 của Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô đã 18 lần pha chế thành công dung dịch thuốc ướp xác thi hài và đạt kết quả tốt. Thông qua quá trình pha chế dung dịch, chúng ta đã chủ động được trong quy trình pha chế, từ khâu chuẩn bị cho đế tự kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng. Đồng thời, các cán bộ cũng hiểu được mục đích và những yêu cầu cơ bản trong quá trình sử dụng dung dịch thuốc để giữ gìn thi hài.

Lăng Bác nâng cao tinh thần tự chủ, tự cường của dân tộc

Bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn thi hài, công tác kỹ thuật còn nâng cao chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành để nâng cấp, đổi mới hệ thống thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại. 

Nhận thức Lăng Bác Hồ là trung tâm chính trị của cả nước, là nơi dễ bị các thế lực thù địch phá hoại. Cho nên, những năm gần đây, Ban Quản lý lăng Bác đã xây dựng, bổ sung phương án và kế hoạch để đảm bảo an ninh chiến đấu. 

Ngoài ra, công tác tổ chức đón tiếp đều được cải tiến và đổi mới về mặt nội dung và hình thức. Không ngừng nâng cao để phục vụ toàn thể nhân dân và khách quốc tế đến viếng lăng Bác

Từ ngày mở cửa lăng Bác Hồ cho đến nay, đơn vị đã đón tiếp gần 60 triệu người. Trong đó, có hơn 10 triệu lượt khác quốc tế đến từ nhiều quốc gia và hơn 1.000 người có công với cách mạng. Cán bộ, nhân viên làm việc trong Lăng Chủ tịch luôn ân cần, niềm nở và nỗ lực đảm bảo sự trang trọng, tôn nghiêm.

Kết luận

Trên đây là một vài thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ để giúp bạn tìm hiểu về lăng Bác. Có thể nói, công trình này đã trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn đứng sừng sững giữa Quảng trường Ba Đình. Vì thế, sẽ thật tiếc nếu bạn chưa từng đến tham quan công trình kiến trúc đầy ý nghĩa này đấy.

Xem Nhiều Nhất